Tiếp tục cập nhật...
18:01
Thủ tướng yêu cầu triển khai lắp đặt hệ thống giám sát môi trường biển
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, với nhận thức sâu sắc là sự cố môi trường nghiêm trọng vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất kinh doanh của người dân 4 tỉnh ven biển miền Trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai khẩn trương và đồng bộ các giải pháp: thực hiện ngay công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân theo đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, sát thực tế, có sự tham gia, giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan báo chí; giám sát và yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm đã cam kết; triển khai lắp đặt hệ thống giám sát môi trường biển tại 4 tỉnh, công khai thông tin chất lượng môi trường; triển khai việc xử lý và phục hồi môi trường biển bị ô nhiễm; tập trung phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Tăng cường giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, không để kẻ xấu, các tổ chức phản động lợi dụng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan đến sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung.
Chính phủ đánh giá cao và cảm ơn sự quan tâm, đồng tình của nhân dân trong và ngoài nước, nhất là nhân dân 4 tỉnh miền Trung; sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà khoa học; sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; sự vào cuộc, phối hợp kịp thời của các Ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí; sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong suốt quá trình giải quyết sự cố môi trường. Đồng thời hoan nghênh thái độ và dư luận Đài Loan đã tỏ rõ quan điểm ủng hộ Chính phủ Việt Nam xử lý nghiêm sai phạm, yêu cầu phía Formosa hợp tác để xử lý vụ việc.
"Qua sự cố môi trường nêu trên, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về bảo vệ môi trường" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
17:39
Lời xin lỗi của Formosa
Ban tổ chức cuộc họp báo chuyên đề của Chính phủ chiếu clip lời xin lỗi của Formosa. Trong clip, ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đại diện Formosa Hà Tĩnh nói: "Tôi cùng ban lãnh đạo công ty thay mặt cho hơn 6.300 cán bộ và nhân viên công ty xin phát biểu về sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung như sau:
"Công ty chúng tôi đến Việt Nam với mong muốn đầu tư và phát triển bền vững, lâu dài để đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, trong quá tình vận hành thử của công ty và qua kết quả kiểm tra nghiên cứu, đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cho thấy sự cố đã xảy ra trong nhà máy là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế vừa qua (Giai đoạn vận hành thử do các nhà thầu phụ được công ty chúng tôi tuyển chọn và ký hợp đồng thực hiện). Công ty xin nhận trách nhiệm và thành thật xin lỗi nhân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, quảng Trị, Thùa Thiên - Huế.
Công ty xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam vì đã gây ra sự cố môi trường thời gian qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, việc làm của người dân và môi trường 4 tỉnh miền Trung. Chúng tôi xin cam kết thục hiện bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Chúng tôi cam kết khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, hoàn thiện công nghệ của nhà máy theo yêu cầu của các bộ, ngành Việt Nam và UBND Hà Tĩnh.
Chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung, đảm bảo phòng, chống các sự cố môi trường tương tự như đã xảy ra và tạo niềm tin với người dân Việt Nam, cũng như bạn bè quốc tế.
Chúng tôi xin cam kết thục hiện đúng và đầy đủ các cam kết với Chính phủ liên quan đến vụ việc này và cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của Việt Nam
Chúng tôi mong rằng bằng sự chân thành từ trái tim, sự nỗ lực tối đa trong giải quyết sự cố này, chúng tôi sẽ nhận được sự cảm thông của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi vô cùng biết ơn Chính phủ đã có chỉ đạo tìm ra nguyên nhân sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua. Chúng tôi tha thiết mong người dân rộng lượng và tha thứ cho chúng tôi".
Kết thúc clip, ban lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cúi đầu nhận lỗi
17:35
Formosa cam kết bồi thường 500 triệu USD
Ngày 28-6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường trên, đồng thời cam kết 5 điểm:
1. Công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.
2. Thực hiện bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, bồi thường xử lý môi trường biển, số tiền 11.500 tỷ đồng tương đương 500 triệu USD.
3. Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường; không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua.
4. Phối hợp với các bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự, tạo niềm tin với người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế.
5. Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật Việt Nam.
17:29
Formosa là thủ phạm gây cá chết bất thường
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu khai mạc họp báo
17 giờ 15 phút, ông Mai Tiến Dũng thông báo nội dung nguyên nhân cá chết 4 tỉnh Miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế đã xảy ra sự cố nghiêm trọng làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại về kinh tế, môi trường, ảnh hưởng tới đời sống người dân, an ninh trật tự.
Ngay sau khi có thông tin sự cố, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp ổn định đời sống người dân vùng thiệt hại, ổn định an ninh chính trị. Bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, môi trường, xã hội. Đồng thời đã chỉ đạo các nhà khoa học vào cuộc, xác định làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra thiệt hại để kịp thời xử lý; giao bộ KH-CN phối hợp Viện hàn lâm KH-CN Việt Nam đã huy động trên 100 nhà khoa học đầu ngành của 30 cơ quan trong và ngoài nước, tổ chức thu thập dữ liệu có sự phản biện của chuyên gia nước ngoài, xác định có nguồn thải xuất phát từ khu vực Vũng Áng, đây là nguồn thải lớn nhất tại Hà Tĩnh, chứa độc tố… tạo thành một dạng phức hợp có tỉ trọng lớn hơn nước biển, theo hải lưu di chuyển từ Hà tĩnh tới Thừa Thiên - Huế là nguyên nhân khiến sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là tầng đáy biển.
Bộ TN-MT đã cho kiểm soát, với sự tham gia của các nhà khoa học đã phát hiện ra Công ty Formosa có một số hành vi vi phạm và phát hiện Formosa xả thải ra biển có chứa độc tố Xianua, Hiroxits sắt vượt quá mức cho phép. Từ các căn cứ trên, các bộ, ngành đã thẩm định có sự tham vấn của các nhà khoa học nước ngoài. Khẳng định, đó là trong quá trình thi công, thử nghiệm của công ty Formosa gây ra ô nhiễm nghiêm trọng dẫn tới hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh Miền Trung.
Với những chứng cứ khách quan, Bộ TN-MT đã phối hợp các Bộ, các cơ quan liên quan, nhiều lần làm việc với công ty Formosa của Đài Loan và công ty Formosa của Hà Tĩnh.
Ngày 28-6 công ty Formosa đã nhận trách nhiệm về việc trên.
17:07
Họp báo chính thức bắt đầu
17 giờ 5 phút, cuộc họp báo chính thức bắt đầu. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ngồi cùng bàn chủ toạ với Bộ trưởng Dũng có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Chu Ngọc Anh, GS-VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia KH-CN cấp quốc gia do tìm nguyên nhân hiện tượng cá chết bất thường, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn,...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu khai mạc họp báo
17:00
Đông nghẹt phóng viên trong nước và nước ngoài dự buổi họp báo
17 giờ chiều nay 30-6, Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân sự cố môi trường gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung vừa qua. Từ hơn 16 giờ, phóng viên các báo đài đã tập trung tại phòng họp báo ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế tại Hà Nội. 16 giờ 55 phút, tại hội trường họp báo đã có khoảng 200 phóng viên trong và ngoài nước có mặt để dự buổi họp báo chính phủ chuyên đề đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Quang cảnh buổi họp báo công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở miền Trung
17 giờ chiều nay 30-6, Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân sự cố môi trường gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung vừa qua.
16 giờ 55 phút, tại hội trường họp báo đã có khoảng 200 phóng viên trong và ngoài nước có mặt để dự buổi họp báo chính phủ chuyên đề đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Cuộc họp báo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cùng lãnh đạo các bộ, ngành như: Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Công an, Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Y tế…
Nội dung cuộc họp tập trung vào công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung, cùng với đó là giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và phương án đền bù cho ngư dân vùng ảnh hưởng.
Ngay từ hơn 16 giờ, phóng viên các báo đài đã tập trung tại phòng họp báo ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế tại Hà Nội. Báo Người Lao Động tường thuật trực tuyến buổi họp báo này trên Báo Người Lao Động điện tử.
Trước đó, như báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt xuất hiện vào ngày 6-4 gần khu kinh tế Vũng Áng (ở Sơn Dương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; nơi Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) đặt nhà máy rất lớn), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình ngày 10-4, Thừa Thiên - Huế ngày 15-4, Quảng Trị ngày 16-4 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng ngày 4-5.
Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì sản lượng đánh bắt hải sản sụt giảm; hải sản không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ không đủ bù chi phí đánh bắt… Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng đã vào thị sát, kiểm tra tình hình tại Hà Tĩnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần làm rõ nguyên nhân cá chết với tinh thần không bao che, yêu cầu Bộ TN-MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của Formosa, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan. Thủ tướng cũng chỉ đạo hỗ trợ bằng gạo, tiền, lãi suất cho người dân bị ảnh hưởng.
Các cơ quan chức năng đã tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bảo đảm khách quan, khoa học, chặt chẽ, đúng pháp luật. Đến nay đã xác định được nguyên nhân và đối tượng chịu trách nhiệm về cá chết hàng loạt, cũng như giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và phương án đền bù cho người dân bị ảnh hưởng.
Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), chi nhánh của tập đoàn nhựa Formosa Plastics Group , Đài Loan. Formosa là chủ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, dự án bắt đầu khởi động từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư gần 10 tỉ USD (công suất hơn 10 triệu tấn/năm ở giai đoạn I) và đang có kế hoạch tăng vốn lên 27 tỉ USD (20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II). Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300 ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025 ha và diện tích mặt nước hơn 1.293 ha (cảng Sơn Dương). |
Ngày 21-4, thông tin trên báo chí cho biết đường ống xả thải khổng lồ từ dự án Formosa “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng được ngư dân Nguyễn Xuân Thành (ở Hà Tĩnh) phát hiện ngày 4-4, trong khi lặn xuống biển “săn” cá. Theo anh Thành, đường ống này được chôn dưới đáy biển, phủ phía trên là một lớp đất cùng nhiều đá hộc, bao tải cát; chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1 m. Một đầu của đường ống nối từ khu vực dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh), đầu còn lại nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn dài khoảng 2 m, đường kính khoảng 40 cm). Anh cho biết vào thời điểm phát hiện, đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở. Sau khi phát hiện đường ống trên, anh Thành đã thông báo đến cơ quan chức năng. |
Tiếp tục cập nhật...
new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét